|
-
Được đăng: 08 Tháng 8 2018
-
Lượt xem: 3941
Rượu Mai Hạ phải uống chậm rãi, nhâm nhi, không thể uống theo kiểu “trăm phần trăm”. Rượu Mai Hạ kỵ lối ăn uống xô bồ, sóng gió, hò hét như đâu đó vẫn thường diễn ra.
Một chén rượu Mai Hạ nhâm nhi cùng chút thịt các Lăng chấm muối ớt trộn mắc khén thì ngon không gì bằng. Chỉ cần đưa chén chạm môi, hương thơm rượu đã lan tỏa khắp. Hương thơm nồng của rượu tan trong không gian thoáng rộng của nhà sàn, rượu tê tê nơi đầu lưỡi khiến ta no nê, say tràn hương đất, hương rừng.
Hương thơm nồng của rượu mai hạ tan trong không gian thoáng rộng của nhà sàn
Rượu mai hạ Mai Châu nồng nàn trên từng hương vị . Để có được một chén rượu Mai Hạ là cả một sự đầu tư công phu. Đầu tiên là công đoạn làm men. Những loại lá làm men không được bán sẵn mà phải là loại lá tự hái của người Mai hạ. Họ vượt dòng sông Mã cuồn cuộn để sang đất Bá Thước của Thanh Hóa mới hái được. Hơn chục loại củ, quả, lá như giềng dại, nhòng nhạnh, gừng, bưởi, ổi, cú đin, hồng bì… mang về rửa sạch, phơi khô rồi giã nhỏ, rây thành bột rồi trộn đều cùng bột sắn, bột gạo.
Nắm men của người Mai Hạ to như những chiếc bánh bao, cầm lên thấy rất nhẹ. Nghề nấu rượu Mai hạ Mai Châu không biết có tự bao giờ, và cũng không có ai là ông tổ của rượu Mai hạ. Người Mai Hạ nấu rượu như là một việc đương nhiên của cuộc sống. Kể từ khi họ tìm ra được những thứ nguyên liệu thuộc họ ngũ cốc thì họ bắt đầu chế biến, và trong đó có việc nấu rượu.
Nếu như người miền xuôi nấu rượu nhằm mục đích kinh doanh thương mại thì người Mai Hạ lại nấu rượu để phục vụ nhu cầu tự cung tự cấp. Họ nấu rượu để cúng tế, đãi khách. Hông nấu rượu của người Mai Hạ là một thân cây khoét rỗng, thường là gỗ mít hoặc gỗ phay. Chã rượu được làm từ sắn củ sấy khô để lâu ngày trên gác bếp.
Rượu Mai Hạ nói chung có thể có thể đạt tới trên năm mươi độ rượu. Rượu nặng nhưng không “xóc”. Mới nhấp vào đầu lưỡi đã lan nhanh xuống họng.
Sắn sấy khô và để lâu trên gác bếp càng giúp rượu ngon hơn và trong hơn, độc tố cũng được thải ra ngoài hết. Giã sắn vỡ thành những hạt bằng hạt ngô, rồi đem ngâm nước suối Mùn ba ngày ba đêm. Sắn hạt vớt lên, trộn cùng vỏ trấu, cho vào nồi hông đồ chín rồi tãi ra nia, trộn đều cùng men lá rồi ủ trong chum. Chum rượu ủ càng lâu thì rượu càng ngon.
Chã rượu được cho vào hông, trên mặt hông được làm lạnh bằng chậu sành, chậu đồng. Dưới đáy chậu là “ba ba” hứng rượu. Những giọt rượu trong như nước mưa giữa trời chảy qua ống nứa vào chai. Lúc rượu cất xong cũng là lúc thức nhắm với cơm canh đã nấu chín…
Sưu tầm internet